Phổ cập kiến thức nhà thông minh

Mới Kiến thức chung

Các khái niệm, thiết bị thường gặp khi tìm hiểu nhà thông minh

Khi tìm hiểu về nhà thông minh, bạn sẽ rất nhiều lần bắt gặp các từ như: bộ điều khiển trung tâm, loa thông minh, cảm biến, bộ hồng ngoại, thiết bị điện thông minh,.. nêú là một người mới, bạn hẳn sẽ bối rối. Bài viết này nhằm mục đích giải thích, mô tả đơn giản các khái niệm, các thiết bị mà bạn hay gặp để con đường tìm hiểu về nhà thông minh của bạn thuận lợi hơn.

Nhà thông minh

Nhà thông mình là nhà có các thiết bị điện, điện tử có thể được điểu khiển (từ xa hoặc trực tiếp) tự động hoặc bán tự động theo ý của người sử dụng. Bạn có thể xem chi tiết hơn ở bài viết Tìm hiểu về nhà thông minh.

Thiết bị điện thông minh

Thiết bị điện thông minh là một thiết bị điện tử, thường được kết nối với các thiết bị hoặc mạng thông qua các giao thức không dây khác nhau như Bluetooth, Zigbee, Wi-Fi,.. chúng có thể hoạt động độc lập hoặc tương tác với các thiết bị khác. Một khả năng đáng nhắc đến của các thiết bị điện thông minh đó là khả năng giám sát và điều khiển từ xa. Bạn có thể xem chi tiết hơn ở bài viết Thiết bị điện thông minh là gì.

Cảm biến

Cảm biến là các thiết bị điện tử dùng để phát hiện những thay đổi (vật lý, hóa học, sinh học...) của môi trường xung quanh. Lấy ví dụ, bạn sẽ có cảm biến chuyển động - chuyên phát hiện các vật thể chuyển động, cảm biến mưa - dùng để phát hiện nếu trời mưa, cảm biến nhiệt độ - để đo đạc nhiệt độ,... Bạn có thể xem chi tiết hơn ở bài viết Các loại cảm biến thường gặp trong nhà thông minh.

Bộ điều khiển hồng ngoại

Là thiết bị thay thế cho các remote hồng ngoại của các loại tivi, điều hòa... cũ. Với một bộ điều khiển hồng ngoại ở trong nhà người dùng có thể điều khiển các thiết bị đó từ xa qua internet.

Công tắc thông minh

Là thiết bị dùng để bật tắt các thiết bị điện khác. Khác với công tắc thông thường, công tắc thông minh có thể được điều khiển từ xa, có các cơ chế để hoạt động một cách tự động (dựa vào cảm biến, hẹn giờ...).

Ổ cắm thông minh

Cũng tương tự như công tắc thông minh, nhưng ở hình hài là một cái ổ cắm điện :D.

Đèn thông minh

Ò thì nó là đèn nhưng có thêm các chức năng thông minh như: tự động bật tắt, điều chỉnh ánh sáng (nhiệt độ, màu sắc), điều khiển từ xa qua điện thoại, qua web hay bằng giọng nói,...

Loa thông minh

Là loa có thể kết nối tới internet và được trang bị cùng với một trợ lý thông minh bên trong. Ví dụ: Google Home Mini, Google Nest Hub, Maika, Apple HomePod, Amazon Echo Dot...

Ngữ cảnh hay kịch bản

Nói nôm na là tập hợp một hoặc nhiều các lệnh điều khiển để phục vụ một tình huống/thói quen/nhu cầu nào đó. Ví dụ:
- Kịch bản đi ngủ: sẽ tắt toàn bộ đèn chiếu sáng, bật đèn ngủ, kiểm tra và cảnh báo cổng cửa đã khóa chưa
- Kịch bản rời khỏi nhà: tắt toàn bộ thiết bị điện, bật chế độ báo động nếu có người lạ xâm nhập
- Kịch bản khoe nhà thông minh: đèn nháy như vũ trường, kéo rèm cửa, phát nhạc rầm rộ, phát âm thanh chào mừng,...

Kịch bản hay ngữ cảnh là do người dùng tự định nghĩa thông qua các giao diện điều khiển (qua ứng dụng điện thoại, qua website...). Có những kịch bản được chạy một cách tự động (ví dụ cảm biến phát hiện bạn lên giường lúc 22h, kịch bản đi ngủ tự động chạy), cũng có những kịch bản chỉ chạy thủ công (ví dụ như có khách tới chơi nhà, bạn muốn khoe nhà thì lấy điện thoại ra bấm chạy kịch bản Khoe nhà).

Zigbee

Một loại sóng tương tự như wifi. Các thiết bị điện thông minh luôn có một phương thức giao tiếp, Zigbee là một trong số đó. Ngoài ra còn có: wifi, BLE, RF, Z-wave...

Tuya

Tuya là một nền tảng smarthome mở cho nhiều nhà sản xuất cùng sử dụng. Ngoài ra nó cũng là tên của ứng dụng của chính Tuya cho người dùng quản lý và điều khiển các thiết bị của mình.

Smart Life

Là một ứng dụng tương tự như Tuya, có thể gọi là phiên bản nâng cấp hay phiên bản quốc tế của ứng dụng Tuya.

IFTTT

Là một dịch vụ trung gian giữa các dịch vụ để thực hiện tác vụ nào đó dựa trên các điều kiện. IFTTT là viết tắt của If This Then That - dịch thoáng nghĩa ra là Nếu Như Thế Này Thì Làm Như Thế Kia cho bạn dễ hình dung bản chất.

Trong nhà thông minh, trường hợp bạn hay gặp phải đó là bạn sử dụng nhiều thiết bị của các hãng khác nhau. Vì thế bạn không thể kết hợp chúng với nhau để tạo ra một kịch bản được. Ví dụ: bạn có một cảm biến chuyển động của Xiaomi , và khi cảm biến này phát hiện có người đến gần bạn muốn bật bóng đèn của Rạng Đông. Hai thiết bị này của 2 hãng khác nhau, và chúng có 2 ứng dụng riêng biệt để điều khiển, bạn không thể làm như ý muốn được. Lúc này, IFTTT là cầu nối, nếu cảm biến Xiaomi phát hiện chuyển động thì bật đèn Rạng Đông.

Ví dụ trên chỉ là một trường hợp điển hình trong nhà thông minh. IFTTT làm việc với rất nhiều dịch vụ khác, bạn nghĩ sao về ý tưởng "Nếu ai đó thích Facebook Fanpage của tôi thì đèn nhà sẽ nhấp nháy 3 lần"? Không hữu ích lắm nhưng vui đúng không - và IFTTT có thể giúp bạn làm được điều đó.

Nói đến đây thì bạn sẽ thấy IFTTT rất là cool, tuy nhiên giá của nó rất là chát, đến hơn 200 ngàn mỗi tháng. Nếu bạn không tận dụng được thì thật lãng phí. Và cũng vì thế nên việc lựa chọn một hãng thiết bị thông minh có đầy đủ các sản phẩm nên là điều bạn cần ưu tiên khi chọn mua để khỏi phải cần đền IFTTT.




Nội dung bài viết vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Nếu bạn có câu hỏi hay vấn đề cần thảo luận xin để lại dưới phần bình luận. Xin cảm ơn!

Lang Hoang

Lang Hoang

Bài viết thể hiện kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của tác giả. Mọi ý kiến đóng góp luôn được hoan nghênh!